Nội dung
Khái niệm lãnh đạo bắt đầu từ thời nguyên thủy khi một người đứng ra dẫn dắt bộ tộc khai phá vùng đất mới. Ngày nay, tại doanh nghiệp và các tổ chức tập thể, người lãnh đạo càng thể hiện vai trò không thể thiếu của mình. Những cái tên nổi tiếng toàn cầu như CEO Amazon Jeff Bezos, chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen… khiến chúng ta càng nể phục hơn những bộ óc lãnh đạo tinh tường của nhân loại. Vậy lãnh đạo là gì? Và những yếu tố cần thiết nào trong quá trình hình thành nên một nhà lãnh đạo hiệu quả.
Lãnh đạo là gì?
Theo Wikipedia : “Lãnh đạo là một quá trình ảnh hưởng mang tính xã hội trong đó lãnh đạo tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới nhằm đạt mục tiêu của tổ chức. Lãnh đạo là quá trình sử dụng và phối hợp hoạt động của các cá nhân trong tổ chức bằng cách gây ảnh hưởng và dẫn đắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức. Lãnh đạo là một trong những khái niệm quan trọng nhất trong khoa học về tổ chức – nhân sự”.
Có thể thấy, lãnh đạo chính là người định hướng cho những cá nhân trong một tập thể làm điều đúng đắn và đem lại lợi ích chung. Họ biết cách kết nối các thành viên cùng nhau khám phá, tìm tòi và xây dựng một tầm nhìn đầy cảm hứng, sáng tạo nên những chiến lược mới.
Đảm nhận vị trí lãnh đạo, với tư cách là đại diện của một nhóm hoặc một tổ chức, bạn cần có đủ bản lĩnh trong việc vạch ra phương án tối ưu và biết chịu trách nhiệm với những sai lầm. Lãnh đạo được xem là hiện thân của sự năng động, đầy thú vị và truyền cảm hứng.
Trên thực tế, một nhà lãnh đạo hiệu quả là người thực hiện những điều sau:
- Tạo ra một tầm nhìn đầy cảm hứng về tương lai
- Tạo động lực và truyền cảm hứng cho mọi người
- Quản lý phân phối tầm nhìn
- Huấn luyện và xây dựng đội ngũ để đạt được tầm nhìn
21 phẩm chất của một nhà lãnh đạo
“21 phẩm chất vàng của nhà lãnh đạo” do John C.Maxwell chấp bút là một trong những cuốn cẩm nang không thể thiếu của rất nhiều vị lãnh đạo trên thế giới.
Trong quyển sách này, John C.Maxwell đưa ra 21 phẩm chất cơ bản cần có của một nhà lãnh đạo thành công. Mỗi phẩm chất được minh họa bằng một câu chuyện cụ thể để từ đó bổi đắp, suy nghĩ và đúc kết thành những phẩm chất, giúp người đọc hình dung cụ thể cũng như vận dụng thực hành một cách dễ dàng hơn.
Nhóm phẩm chất đầu tiên: Tận tâm, đam mê, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ, ham học hỏi
Để thành công, bạn không thể chỉ đi trên thảm đỏ hay đường rải hoa hồng. Để dẫn đường, bạn không thể bước lên dấu chân người khác. Sẽ có rất nhiều thử thách nhưng tất cả không cho phép bạn lùi bước. Khi đó, chỉ có sự tận tâm xuất phát từ chính con người bạn – mới giúp bạn chiến thắng tất cả. Tận tâm – đó cũng là phẩm chất đầu tiên, cần có ở những nhà lãnh đạo vĩ đại, xuất chúng. “Chẳng ai theo những nhà lãnh đạo thiếu tận tâm. Sự tận tâm được thể hiện dưới nhiều hình thức, gồm thời gian đầu tư cho công việc, cách nâng cao năng lực hay sự giúp đỡ không vụ lợi”. Chỉ có sự tận tâm mới khiến người ta theo đuổi và đi đến tận cùng mục tiêu của mình.
Michelangelo không thích vẽ trang trí cho một nhà thờ nhỏ như Sistine tại Vatican nhưng ông không được phép từ chối bởi đó là yêu cầu của Đức Giáo hoàng. Khi buộc phải làm công việc không yêu thích, ông có thể nhờ người khác làm thay hoặc làm qua loa cho xong nhưng ông đã không dùng cả hai cách này. Ông tự làm tất cả bởi ông tin rằng những điều mình làm bằng sự tận tâm thì “Chúa sẽ thấy”. Chính tác phẩm trang trí nhà thờ Sistine đã khiến Michenlangelo được xem là nghệ sỹ vĩ đại nhất của nền văn minh phương Tây đồng thời phong cách hội họa của ông đã thay đổi cách nhìn của cả một thế hệ các họa sỹ và các nhà điêu khắc lúc bấy giờ.
Là người lãnh đạo cũng thế, nếu cống hiến hết mình, tên tuổi bạn sẽ sống mãi. Bên cạnh sự tận tâm, bạn cần đam mê, tinh thần trách nhiệm, tinh thần phục vụ và lòng ham học hỏi để có thể đạt mực tiêu đã đề ra. Diễn viên hài Bill Cosby từng nói rằng “Khi đã có niềm đam mê, không ai có thể ngăn cản bạn đạt tới thành công”. Niềm đam mê sẽ khiến bạn trở nên khác biệt. Khi có sự tận tâm, niềm đam mê, bạn hãy bắt tay vào việc. Lúc này, bạn hãy nhớ rằng mình cần có trách nhiệm với công việc mình đang làm, dù đó là việc lớn hay nhỏ, có tinh thần phục vụ mọi người bởi chỉ có hướng đến những điều tốt đẹp, hướng đến cộng đồng, đó mới là những cái đích đích thực của cuộc sống. Đừng quên học hỏi vì không có ai toàn tài trên đời. “Những gì bạn học được chỉ được tính sau khi bạn đã biết tất cả về nó” (Huấn luyện viên bóng rổ nổi tiếng John Wooden).
Nhóm phẩm chất thứ hai: nghị lực, sức hút, thái độ tích cực, sự vững vàng, kỷ luật tự giác
Lãnh đạo đồng nghĩa với người dẫn đường. Khi làm lãnh đạo, bạn có nghĩ điều gì đã khiến người khác tin tưởng và đi theo bạn? Vì bộ veston bạn mặc hay chiếc xe bạn đang dùng? Vì danh vọng và sự giàu sang bạn có được? Không, đó chỉ là “vỏ” bề ngoài mà thôi. Điều thật sự khiến người khác tin tưởng và đi theo bạn đó là do nghị lực của bạn.
Nghị lực không tự nhiên mà có. Nó đến từ những gì bạn lựa chọn. Bạn được phép dừng lại khi phía trước là đoạn đường rất ghập ghềnh và nguy hiểm. Bạn được phép từ chối nếu không hứng thú với công việc đó… Điều bạn lựa chọn sẽ định hình nên nghị lực của bạn.
Đi kèm với nghị lực thường là sức hút. Cách bạn lựa chọn, cách bạn thể hiện, cách bạn đương đầu và giải quyết vấn đề… sẽ tạo ra cho bạn một tầm ảnh hưởng nhất định và đó là sức hút của bạn. Sức hút không phải là cái gì đó kỳ bí, khó nắm bắt. Sức hút hiện hữu ngay trong chính việc bạn làm. Tại sao nhà lãnh đạo xuất chúng thời Perle Mesta rất thành công khi thu hút những người giàu có và nổi tiếng đến tham dự các bữa tiệc do bà tổ chức? “Tất cả nằm ở lời chào và lời tạm biệt” – bà chia sẻ. Khi một vị khách tới, bà ra tiếp và nói “Cuối cùng ngài đã đến” và khi ai đó ra về, bà ra chào và nói “Thật tiếc ngài phải về sớm như vậy”. Bạn hãy thử vận dụng cách của Perle Mesta xem sao!
Nghị lực đến từ lựa chọn, nó có thể thay đổi. Sức hút của bạn cũng thế. Tích cực hay tiêu cực tùy thuộc vào thái độ, sự vững vàng và sự kỷ luật tự giác của bạn. Thomas Edison là người lạc quan và luôn nhìn thấy sự tuyệt diệu trong mọi thứ. Ông không ngại thử nghiệm tới lần thứ 10.000 trước khi tìm ra loại vật liệu phù hợp nhất cho việc chế tạo dây tóc bóng đèn. “Thất bại trong đời là ở chỗ người ta không nhận ra được họ đang rất gần thành công chính vào lúc họ bỏ cuộc”. Lúc này, bên cạnh thái độ tích cực, bạn cần sự vững vàng bởi sẽ có rất nhiều chỉ trích đổ xô đến bạn. Sự vững vàng sẽ là bộ rễ chắc khỏe níu giữ toàn bộ thân cây và cành lá trước bão giông đang đổ tới. Ý thức kỷ luật sẽ giữ cho bạn đi đúng hướng và không được phép bỏ cuộc giữa chừng.
Nhóm phẩm chất thứ ba: Khả năng giao tiếp, tập trung, lắng nghe, thế chủ động, các mối quan hệ
Với nhà lãnh đạo, khả năng giao tiếp là một phẩm chất cực kỳ quan trọng vì lãnh đạo thực chất là huy động ý chí, nguồn lực của nhiều người khác cùng đi theo và thực hiện điều mình mong muốn. Nếu khả năng giao tiếp kém, bạn mãi mãi là người độc hành. Nhà lãnh đạo khi không thể đưa ra một thông điệp rõ ràng và thúc đẩy người khác thực hiện, thì việc có trong tay thông điệp cũng chẳng để làm gì!
Thành công trong giao tiếp nói riêng và trong cuộc sống, mọi công việc khác nói chung đều cần đến sự tập trung và khả năng lắng nghe người khác. Với giao tiếp, bạn phải đặc biệt tập trung vào hiện tại, đó là cách tốt nhất giúp bạn nắm bắt những thông điệp từ người khác cũng như truyền thông tốt nhất thông điệp của mình đến với người nghe. John C.Maxwell khuyên bạn học tập nguyên tắc tập trung sau:
- Tập trung 70% vào các điểm mạnh
- Tập trung 25% vào các điểm mới
- Tập trung 5% cho những điểm yếu
Nhà lãnh đạo giỏi không chỉ biết nói mà quan trọng hơn là phải biết lắng nghe. “Đôi tai của nhà lãnh đạo phải âm vang giọng nói của nhiều người”. Hãy biết lắng nghe nhiều hơn nói, nghe từ nhiều người, từ cấp dưới, từ khách hàng, từ đối thủ, từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn. Tuy nhiên, nghe nhưng đừng tin tất cả. Bạn phải sàng lọc những thông tin đã nghe để điều chỉnh bản thân, học hỏi những cái hay, cái mới, chia sẻ và đồng cảm với mọi người. Không một nhà lãnh đạo giỏi nào thành công mà không có sự chung tay, góp sức của những người khác. Thành phần quan trọng nhất trong công thức thành công chính là biết cách tạo dựng các mối quan hệ với những người khác.
Một phẩm chất rất quan trọng của nhà lãnh đạo là giữ thế chủ động trong mọi tình huống. Nếu nghĩ rằng, mình chủ động bước trước để khai phá con đường, bạn đang đặt nền móng cho thành công. Để nâng cao thế chủ động, bạn cần thay đổi cách suy nghĩ vì mọi thứ đều đến từ suy nghĩ chứ không phải từ hành động. Tiếp theo là đừng chờ đợi cơ hội, hãy hành động, hãy bước lên phía trước để tạo ra và nắm bắt cơ hội.
Nhóm phẩm chất thứ tư: Năng lực, can đảm, giải quyết vấn đề, tầm nhìn, sáng suốt, phóng khoáng
Bằng kinh nghiệm thực tiễn làm lãnh đạo của mình, John C.Maxwell chia sẻ: “Năng lực quan trọng hơn cả lời nói. Đó là khả năng nhà lãnh đạo phát biểu, hoạch định và thực hiện một việc để người khác hiểu rõ – và hiểu rằng họ muốn đi theo”.
Bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng người góp phần viết nên Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp của nước Mỹ chỉ được đến trường trong 2 năm, 12 tuổi đã phải bắt đầu làm lụng vất vả để kiếm tiền. Thế nhưng lịch sử nước Mỹ và lịch sử thế giới phải ghi tạc tên ông – Benjamin Franklin bởi những phát minh, những cống hiến của ông cho nước Mỹ và nhân loại. Ông làm được tất cả những điều kỳ diệu đó bởi năng lực phi thường của mình. Benjamin Franklin chia sẻ: “Đừng che dấu tài năng của bạn. Chúng được tạo ra để dành cho bạn. Chiếc đồng hồ mặt trời sẽ là gì nếu ở trong bóng râm?”. Khi có năng lực, bạn cần thêm lòng can đảm để vượt qua các thách thức, thực hiện điều mình mong muốn. Martin Luther King, nhà lãnh đạo dân quyền Mỹ, từng tuyên bố: “Thước đo cơ bản để đánh giá một con người không phải là lúc họ sống trong sung sướng và tiện nghi, mà là những lúc họ chống chọi với khó khăn thử thách”. Đó là lúc lòng can đảm của con người bộc lộ rõ nhất. Khi là người lãnh đạo, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn người khác bởi bạn dám nghĩ những điều người khác không nghĩ tới và dám làm những điều người khác không dám làm. Chỉ có lòng can đảm mới khiến bạn không chùn bước!
Ở một nhà lãnh đạo luôn cần một phẩm chất nổi trội là khả năng giải quyết vấn đề. ta luôn tìm kiếm những vấn đề phù hợp với khả năng” (John C.Maxwell ). Để có thể giải quyết những vấn đề của bạn một cách hiệu quả, hãy thực hành theo cách sau:
- Hãy đón trước những trở ngại.
- Chấp nhận sự thật
- Nhìn toàn cảnh
- Xử lý từng việc một
- Không từ bỏ mục tiêu ngay cả khi chán nản nhất
Bên cạnh năng lực giải quyết vấn đề luôn là tầm nhìn, sự sáng suốt và phóng khoáng. Một nhà lãnh đạo giỏi không thể có cách nhìn thiển cận và hạn hẹp. Đối với một nhà lãnh đạo, tầm nhìn chính là tất cả, nó cần thiết hơn hết thảy. Walt Disney – người mơ mộng nhất thế kỷ XX thực ra là một người có tầm nhìn vĩ đại và quan trọng hết thảy, ông dám làm những điều mình nhìn thấy, tiên đoán thấy cho dù mọi người đều nhất trí rằng “ông là kẻ mơ mộng” với ngựa gỗ và xích đu mà thôi! Để hiện thực hóa điều bạn nhìn thấy, bạn cần cộng thêm vào đó sự sáng suốt. “Nhà lãnh đạo khôn ngoan chỉ tin vào một nửa những điều mình nghe được. Nhà lãnh đạo sáng suốt biết tin vào nửa nào”.
Và cuối cùng, một nhà lãnh đạo cần có cái nhìn phóng khoáng với mọi điều cả trong cuộc sống lẫn công việc. “Ngọn nến không mất gì khi thắp sáng những ngọn nến khác”, trong đời làm lãnh đạo của mình, có lẽ bạn đã từng nghe qua câu này nhưng thật sự bạn có muốn “thắp sáng những ngọn nến khác” hay không? Một nhà lãnh đạo rồi sẽ già và chết đi nhưng công ty, doanh nghiệp của họ thì tồn tại mãi. Vậy làm sao để tư tưởng, mong muốn của mình luôn được thực hiện ngay cả khi bạn đã chết đi? Cách duy nhất là bạn hãy thắp sáng những ngọn nến khác, truyền lửa và ánh sáng cho những ngọn nến mới để khi bạn mất đi, ánh sáng vẫn được duy trì.
Con đường mà những nhà lãnh đạo đang đi luôn là con đường của khó khăn và thách thức. Bạn sẽ được và mất rất nhiều, điều đó là hiển nhiên. Ý thức được điều này, những người đã, đang và sẽ làm lãnh đạo đừng ngần ngại soi xét lại bản thân để biết đâu là những điểm mạnh để phát huy, đâu là những phẩm chất mình còn thiếu để rèn luyện và học hỏi. Một phần năng lực phát triển mà nhà lãnh đạo có được là học hỏi các nguyên tắc. Đó là những công cụ rất hiệu quả.
Một lần nữa, bạn hãy xem mình đã có và chưa có những phẩm chất nào dưới đây đồng thời đừng quên nhắc nhở mình rèn luyện nó mỗi ngày:
- 1. Nghị lực
- 2. Sức hút
- 3. Tận tâm
- 4. Khả năng giao tiếp
- 5. Năng lực
- 6. Can đảm
- 7. Sáng suốt
- 8. Tập trung
- 9. Phóng khoáng
- 10. Sự chủ động
- 11. Lắng nghe
- 12. Đam mê
- 13. Thái độ tích cực
- 14. Giải quyết vấn đề
- 15. Các mối quan hệ
- 16. Tinh thần trách nhiệm
- 17. Sự vững vàng
- 18. Kỷ luật tự giác
- 19. Tinh thần phục vụ
- 20. Ham học hỏi
KHÓA HỌC CEO - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH
Mục đích của khóa học CEO Giám đốc điều hành nhằm nâng cao khả năng nắm bắt thị trường của các nhà lãnh đạo và cải thiện năng lực sáng tạo của họ. Chương trình mang đến cho học viên nền tảng kiến thức sâu sắc và tạo cơ hội giúp họ thảo luận và đưa ra các giải pháp trước những thách thức của thị trường trong nước & quốc tế cạnh tranh gay gắt. Mục tiêu của khóa học: